Với mục tiêu truyền cảm hứng về vai trò của quản trị đổi mới sáng tạo và văn hóa đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, đồng thời giúp các nhà lãnh đạo khám phá những cơ hội và hướng phát triển mới của ngành bán lẻ trong thời kỳ công nghệ số cạnh tranh, Viện Đổi mới Sáng tạo tổ chức Hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong ngành bán lẻ” – in4Biz* Seminar “Innovation in Retail Industry” vào ngày 12/9/2020 vừa qua, tại cơ sở 232/6 Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Hội thảo in4Biz Series –  innovation for Business growth Series là diễn đàn hội tụ các chuyên gia, doanh nhân, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng nhau bàn thảo về các chiến lược phát triển doanh nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo. Chương trình được Viện Đổi mới Sáng tạo UEH tổ chức định kỳ với những chủ đề khác nhau về xu thế vận động của nền kinh tế thế giới, quản trị doanh nghiệp, quản trị đổi mới sáng tạo, các xu hướng phát triển mới của công nghệ được ứng dụng trong doanh nghiệp, trong đời sống và trong phát triển kinh tế địa phương.

Buổi Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, công ty khởi nghiệp nổi bật tại Việt Nam, các Anh/Chị là nhân viên, chuyên viên, lãnh đạo các cấp tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh – Saigon Co.op và đại diện các dự án đang ươm tạo tại Vườn ươm Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo tại Viện.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, thầy Huỳnh Phước Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện Đổi mới Sáng tạo chia sẻ: “Có một chân lý rất rõ ràng rằng, quy luật đổi mới sáng tạo sẽ chi phối chuỗi giá trị của tổ chức và đổi mới sáng tạo sẽ là yếu tố thay đổi mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tương lai. Vì vậy, chúng ta cũng cần hiểu về đổi mới sáng tạo bằng một tư duy chiến lược, đầu tư bài bản. Với sứ mệnh kết nối các thành phần liên quan tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Viện Đổi mới Sáng tạo xây dựng nền tảng, các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp, đào tạo về đổi mới sáng tạo. Hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong ngành bán lẻ” sẽ mang đến những góc nhìn cởi mở hơn, đa chiều hơn về việc thực hiện đổi mới sáng tạo trong một lĩnh vực cụ thể – lĩnh vực bán lẻ. Đại diện Viện Đổi mới sáng tạo, tôi xin cảm ơn sự tham gia và chia sẻ đến từ quý diễn giả, và hi vọng rằng, với hội thảo lần này, chúng ta sẽ học hỏi được nhiều kiến thức hữu ích cũng như có được các góc nhìn mới về đổi mới sáng tạo.”

Mở đầu phiên thứ nhất của Hội thảo, anh Lê Hoàng Long – Quản lý cấp cao, Nielsen Vietnam đã mang đến hội trường bài chia sẻ với chủ đề “Innovation Management for Store Concept”.

“Thị trường bán lẻ tại Việt Nam hiện nay hoạt động rất sôi nổi, có sự phát triển và thay đổi nhanh vượt trội so với thế giới. Có hơn 1,6 triệu cửa hàng đang được vận hành trên khắp cả nước, trở thành một thách thức lớn cho các nhà sản xuất.” – Anh Long nhận định. Trong những năm gần đây, loại hình Kênh bán hàng hiện đại (Modern Trade) đã xuất hiện rất nhiều cửa hàng chuyên doanh , các mini-mart như Vinmart, Bách Hóa Xanh, Co.op Food,.. hình thành và trở nên phổ biến. Đây cũng chính là những “lò ấp” cho các giải pháp đổi mới sáng tạo trong ngành bán lẻ. Anh Long cũng chỉ ra những chỉ số cũng như những sự thật ngầm hiểu về các thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng; để từ đó, người tham dự có thể hiểu được vai trò của đổi mới sáng tạo trong việc xây dựng và cải thiện các mô hình cửa hàng gia tăng trải nghiệm khách hàng. Tại Hội thảo, anh Long đưa ra bốn nguyên tắc dành cho các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ khi thực hiện đổi mới sáng tạo tại cửa hàng của mình gồm: Tốc độ (Fast) – Thử nghiệm với quy mô nhỏ (Start it small) – Triển khai dựa trên thực tiễn (Evidence based) – Thực hiện một cách tốt nhất (Execution excellent).

Nối tiếp phần chia sẻ của anh Long, ông Hoàn NÙNG – Trưởng phòng thu mua khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Trouw Nutrition, với bài chia sẻ “The New-Inno-Reno Way in Manufacturing Food Asia” đã mang lại cho người tham dự cách tiếp cận mới về quản trị đổi mới sáng tạo được áp dụng trong ngành sản xuất thực phẩm.

Mở đầu bài chia sẻ của mình, ông Hoàn NÙNG nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo qua câu châm ngôn của nhà vật lý người Đức nổi tiếng – Albert Einstein – “Insanity: doing the same thing over and over again and expecting the different results”. Chúng ta không thể mong đợi những kết quả khác biệt, nếu chúng ta liên tục triển khai phương thức cũ một cách lặp đi lặp lại mà không có sự đổi mới. Ông cho rằng: “Đổi mới sáng tạo là điều đã tồn tại ở xung quanh chúng ta nhưng cách để tiếp cận và thực hiện thì lại bằng nhiều phương pháp khác nhau. Chiến lược đổi mới sáng tạo phải xuất phát ở quy mô công ty, sau đó đến các phòng/ban rồi mới đến các nhóm/cá nhân trong tổ chức”. Để có triển khai thành công những dự án liên quan đến sản xuất thu mua, doanh nghiệp nên áp dụng quy trình từ Định hướng (Orientation) – Sáng tạo (Creation) – Chuẩn bị (Preparation) – Triển khai (Implement) với khoảng thời gian nhanh nhất có thể. Bên cạnh đó, ông Hoàn NÙNG cũng chia sẻ về những chìa khóa thành công của ông và công ty khi thực hiện đổi mới sáng tạo trong quy trình sản xuất thu mua đó là: khác biệt trong tư duy, thích ứng với những điều mới; ứng xử, giao tiếp linh hoạt với đội ngũ làm việc đa quốc gia; chấp nhận thất bại, luôn trong tâm thế mình là người bán ý tưởng và cuối cùng là, mở rộng tầm nhìn và kiến thức của bản thân ở nhiều lĩnh vực khác nhau như Tài Chính, Marketing,..

Khép lại phiên thứ nhất của Hội thảo là bài chia sẻ đến từ anh Xuân Trường – Giám đốc vận hành GEEKUp, Nguyên Đồng sáng lập và CEO AhaMove, Nguyên Giám đốc dịch vụ chuyển tiền Ví điện tử Momo, với chủ đề “Làm thế nào để chuyển đổi ngành bán lẻ trong thời kỳ hậu Covid-19”.

“Trong khi nhiều nhà lãnh đạo cho rằng, chuyển đổi số là một câu chuyện rất xa, câu chuyện của nhiều năm nữa, thì Covid-19 đã ở bên ngoài cửa sổ rồi. Và Covid-19 cũng chính là yếu tố tác động dẫn dắt sự chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn tại Việt Nam.” Anh Trường đặt vấn đề. Mặc dù Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành kinh tế khác nhưng lại mở ra cơ hội rất lớn cho ngành bán lẻ, đặc biệt là mặt hàng về nhu yếu phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG), chăm sóc sức khỏe,… Bằng việc chia sẻ những chiến lược chuyển đổi số thành công của Zara, Alibaba Hema, anh Trường cho rằng “Chiến lược Online-To-Offline là chiến lược doanh nghiệp bán lẻ bắt buộc phải thực hiện trong giai đoạn mới – giai đoạn hậu Covid-19, để doanh nghiệp giữ được giá trị cốt lõi và lợi thế cạnh tranh của mình.”

Điều này có nghĩa là doanh nghiệp cần phải đầu tư, xây dựng bộ năng lực về thị trường online, đồng thời thấu hiểu được nhu cầu, tâm lý ngày càng đa dạng của khách hàng để điều hướng hành vi tiêu dùng của họ, dựa trên những dữ liệu thu thập được (data driven organization)“Việc chuyển đổi sang chiến lược Online-To-Offline không phải đơn giản chỉ là mở một website e-commerce (trang thương mại điện tử) mà còn là sự thay đổi của cả hệ thống vận hành trong doanh nghiệp, từ quy trình nhận đơn hàng cho đến quy trình vận chuyển hàng đến tay người tiêu dùng, để tạo ra trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho họ. Chúng ta không thể đoán trước được những gì sẽ xảy ra ở giai đoạn sau này, nên cần phải chuẩn bị sẵn sàng, bền bỉ thử nghiệm và tìm kiếm cơ hội cho mình.”

Hội thảo tiếp tục đến Phiên thứ hai Panel Discussion với sự tham gia thảo luận của ba diễn giả và điều phối viên – chị Phương Thảo, Giám đốc Vườn ươm Viện Đổi mới Sáng tạo.

 

Phiên thứ hai của Hội thảo mở ra những chia sẻ, thảo luận về cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh truyền thống lâu đời đang từng bước dịch chuyển sang một phương thức hoạt động ứng dụng công nghệ mới và đổi mới sáng tạo như Saigon Co.op. Các diễn giả đã cùng trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm, bài học có thể áp dụng với các khách mời tham dự.

“Những doanh nghiệp có chuỗi bán lẻ với rất nhiều cửa hàng, siêu thị như Saigon Co.op mang lợi thế rất lớn trong việc tiếp cận các phân khúc khách hàng khác nhau nhưng đồng thời đó cũng là một thử thách lớn khi càng nhiều phân khúc khách hàng, chúng ta càng phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, sự ứng dụng công nghệ trong quản lý doanh thu, quản lý quy trình, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng tại Saigon Co.op là chưa nhiều. Mặc dù các thành viên nhận thức được rằng sẽ phải thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi sang chiến lược Online-To-Offline, nhưng đó vẫn là một bài toán không dễ dàng nhanh chóng thực hiện.” Anh Xuân Trường đưa ra những chia sẻ về thách thức của Saigon Co.op khi thực hiện chuyển đổi số.

Cũng bàn về những thách thức khi chuyển đổi số, anh Hoàng Long cho rằng “Điều khó thực hiện nhất đó chính là thay đổi hành vi của con người. Áp dụng công nghệ thì có thể nhanh chóng, nhưng việc để khách hàng, người tiêu dùng họ sử dụng những công nghệ đó là một câu chuyện cực kỳ khó khăn. Chính vì vậy, để có thể thực sự chuyển đổi số trong doanh nghiệp, thì điều đầu tiên cần là sự quyết tâm của Ban Lãnh đạo doanh nghiệp đó. Cùng với đó là trao quyền cho đội ngũ nhân sự bên dưới chuyển hóa quyết tâm thành hành động, tạo động lực góp phần thúc đẩy các cá nhân trong tổ chức cùng hành động. Tóm lại, doanh nghiệp cần phải nhận thức được chuyển đổi số là một điều bắt buộc phải thực hiện, không thực hiện là chết.”

“Việc thực hiện đổi mới sáng tạo không chỉ là câu chuyện của riêng tổ chức, mà đó là câu chuyện của mỗi cá nhân chúng ta, rằng chúng ta cần phải thay đổi suy nghĩ, cần phải coi việc đổi mới sáng tạo và sáng tạo là một DNA trong cơ thể. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải có sự nhìn nhận, học hỏi từ đối thủ của mình, để tìm kiếm những cơ hội trong quá trình chuyển đổi số. Không những vậy, các doanh nghiệp cũng phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình, chấp nhận những thách thức, suy nghĩ khác biệt, thay đổi từ những điều nhỏ nhặt ngay từ trong môi trường làm việc của mình.” Ông Hoàn NÙNG chia sẻ.

ư

Hội thảo kết thúc mang đến những góc nhìn mới, những kiến thức hữu ích và khơi gợi nguồn cảm hứng về đổi mới sáng tạo và quản trị đổi mới sáng tạo cho các thành viên của doanh nghiệp bán lẻ trong thời kỳ công nghệ số hóa cạnh tranh, đặc biệt là giai đoạn “bình thường mới” sau đại dịch Covid-19.

UII – Where every idea has a story!

Tin và ảnh: Phòng Marketing – Truyền thông